Khoảng cuối tháng 4 năm 2019, dịch sâu Keo mùa thu bùng phát tại Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều ruộng bị tấn công khi bắp dưới 30 ngày tuổi, buộc người dân phải trồng lại. Đỉnh điểm vào tháng 7/2019, hơn 16.000 ha cây bắp bị nhiễm sâu keo mùa thu (Cục BVTV-2019). Hiện nay, chúng không chỉ gây hại trên cây ngô, mà còn lan sang nhiều cây trồng khác như lúa, đậu xanh, đậu phộng, mía, cà chua, cà tím, ớt, chuối và cỏ chăn nuôi…
Để kiểm soát sâu keo mùa thu hại ngô, ta cần hiểu rõ hơn về đặc điểm sinh học, điều kiện phát triển cũng như biện pháp quản lý chúng.
Đặc điểm nhận dạng
Sâu keo mùa thu (Fall Armyworm – FAW) thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea). Trứng có hình cầu, đường kính 0,75 mm. Trứng mới đẻ màu xanh, sau đó chuyển sang màu trắng sữa, và cuối cùng chuyển sang màu nâu nhạt trước khi nở.
Sâu non có 6 giai đoạn, giai đoạn 1-2 thường có màu xanh nhạt – vàng nhạt. Giai đoạn 3-6, chúng có màu nâu xám – nâu sẫm với các sọc dọc thân. Tùy thuộc vào môi trường thức ăn, sâu non có màu từ nâu nhạt đến xanh đen. Kích cỡ của sâu non tăng theo tuổi: tuổi 1 dài khoảng 0,5 mm; tuổi 3 dài 6-9 mm; và tuổi 6 dài 30-40 mm.
Trên trán của sâu non lớn có thể thấy rõ chữ Y ngược màu vàng, phần lưng màu đen với các sợi lông dài cứng. Đốt cuối bụng có 4 đốm đen xếp hình vuông (trong khi các đốt khác có 4 đốm đen hình thang).
Nhộng sâu keo mùa thu có dạng nhộng bọc, màu nâu sáng và bóng. Nhộng đực dài từ 13-15 mm, nhộng cái dài 16-17 mm. Đốt cuối bụng có 2 gai.
Trưởng thành đực dài trung bình 16 mm, sải cánh trung bình 37 mm. Cánh trước có màu nâu nhạt, xám và đốm hình bầu dục màu xám trắng – vàng rơm. Cánh trước của cái không có hoa văn rõ.
Đặc điểm sinh học, sinh thái
Sâu keo mùa thu trưởng thành hoạt động vào ban đêm, sau biến hình có thể bay hàng km để tìm nơi đẻ trứng, thậm chí di chuyển hàng trăm km do gió. Thời gian sống của trưởng thành là 12-14 ngày.
Trưởng thành đẻ trứng vào ban đêm, đẻ thành từng ô hai lớp trứng chủ yếu. Vị trí ổ trứng thường là trên mặt lá hay cạnh cuống lá. Mỗi ổ có từ 50-200 quả, xếp thành 2-3 lớp và được bao phủ bởi lông màu hồng-xám. Cái đẻ từ 6-10 ổ trứng, tương ứng 1.000 – 2.000 trứng. Trứng nở sau 2-10 ngày, trung bình 2-4 ngày ở nhiệt độ 20-30°C. Sâu non gây hại trong chu kỳ sống của sâu keo mùa thu. Sâu non có 6 tuổi, thời gian phát triển kéo dài 14-21 ngày. Nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, thời gian phát triển sâu non dài khoảng 30 ngày.
Sâu non mới nở mau chóng di chuyển đến vị trí có lá non. Chúng có thể tạo ra tơ để gió phát tán chúng đến các cây gần đó và gây hại. Sâu non lớn tuổi thường cắn sâu non nhỏ tuổi.
Phần lớn nhộng biến đổi trong lòng đất ở độ sâu từ 2 đến 8 cm, một số trường hợp hóa nhộng giữa các lá, góc lá của cây chủ hoặc trong bắp ngô. Thời gian để hóa nhộng là từ 7 đến 13 ngày.
Đặc điểm gây hại
Chỉ có sâu non mới sinh mới gây hại cho cây trồng, sâu non tuổi 1-2 sẽ ăn phần biểu bì của mặt dưới lá non và tạo ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non lớn tuổi sẽ ăn lá và tạo ra các lỗ to như “cửa sổ”. Về cây chủ, sâu keo mùa thu ăn được hơn 300 loài thực vật, bao gồm ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà,… Tuy nhiên, chúng thích ăn ngô nhất, đặc biệt là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau.
Con đường xâm nhập, lây lan
Sâu keo mùa thu có thể xâm nhập và lây lan qua các con đường chính sau: Sâu non di chuyển ở khoảng cách gần (từ cây này sang cây khác; từ ruộng này sang ruộng khác). Sâu non, nhộng, trứng và trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phẩm của cây chủ (ngô, cỏ ăn cho gia súc, cỏ sân golf…) Sâu trưởng thành tự bay tìm nơi đẻ trứng ở khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục km. Di trú và có thể bay theo gió xa hàng trăm km.
Biện pháp phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô
Trước khi gieo hạt
Sử dụng giống chịu đựng:
- Ở các vùng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng, lựa chọn giống ngô có khả năng chịu đựng sâu keo mùa thu cao như NK7328 Bt/GT, NK4300 Bt/GT, NK66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 8639S, 6919S, 99558S, … để giảm thiệt hại và chi phí sản xuất.
Xử lý hạt giống:
- Áp dụng xử lý hạt giống bằng các loại thuốc BVTV hiệu quả để phòng chống sâu keo từ khi cây ngô mọc mầm đến khi có 5-6 lá. Chỉ áp dụng cho các giống ngô không kháng sâu keo mùa thu và tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Để đảm bảo an toàn, khi làm việc với hạt đã xử lý BVTV, cần sử dụng găng tay hoặc máy tra hạt để tránh tiếp xúc với thuốc độc hại.
Giai đoạn ngô mới gieo đến 7 lá
Giai đoạn này là giai đoạn yếu nhất của cây ngô, cần phòng trừ sâu keo mùa thu hiệu quả để đảm bảo mật độ cây và năng suất sau này.
Biện pháp sinh học:
- Thả thiên địch như ong ký sinh, côn trùng ăn thịt sâu non.
- Sử dụng các chế phẩm sinh học như nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, và virus NPV khi sâu keo mùa thu còn nhỏ và độ ẩm cao.
Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc pheromone:
- Đặt 50-100 bẫy bả chua ngọt/ha hoặc 10-20 bẫy pheromone/ha để tiêu diệt sâu keo mùa thu.
- Đặt bẫy từ khi gieo ngô đến khi cây trổ cờ và phun râu.
Biện pháp hóa học:
- Nếu sử dụng giống ngô kháng sâu keo mùa thu hoặc đã xử lý hạt giống, không cần phun thuốc BVTV. Phun thuốc khi sâu non đạt 3-4 con/m2 (tuổi 2-3) hoặc tỷ lệ hại > 20% số cây, có vết màu trắng trên lá.
- Ở khu vực không sử dụng giống kháng sâu keo mùa thu, cần sử dụng bẫy chua ngọt hoặc bẫy pheromone để tiêu diệt sâu trưởng thành và loại bỏ tổ trứng của sâu keo mùa thu, giảm mật độ sâu non trên cánh đồng. Điều tra mật độ sâu và phun thuốc khi mật độ sâu non 1 – 2 tuổi cao.
- Khu vực không áp dụng các biện pháp trên cần kiểm tra thường xuyên và phun thuốc kịp thời khi mật độ sâu non 1 – 2 tuổi cao.
Giai đoạn ngô có 7 lá đến xoáy nõn, chuẩn bị trổ cờ và phun râu
- Ở các cánh đồng trồng giống ngô kháng sâu keo mùa thu, không cần phun thuốc BVTV.
- Thường xuyên kiểm tra và phun thuốc kịp thời khi mật độ sâu non 1 – 2 tuổi cao (> 4 con/m2) hoặc tỷ lệ cây bị hại > 20% số cây (tính theo vết hại mới).
- Mật độ sâu thường thấp hơn so với giai đoạn ngô 3-6 lá và cây ngô đã lớn, có khả năng bù đắp thiệt hại. Trong trường hợp cánh đồng ngô bị sâu hại nặng, tiếp tục chăm sóc để cây phục hồi nhanh và thu hoạch bình thường.
Giai đoạn ngô từ trổ cờ, phun râu đến chín, thu hoạch
- Mức độ gây hại và thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô giảm so với hai giai đoạn trước, vì vậy hạn chế sử dụng thuốc BVTV.
Giải pháp nâng cao hiệu quả diệt trừ sâu bệnh hại ngô
Sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu trong việc diệt trừ sâu keo mùa thu cho vườn ngô đem lại nhiều ưu điểm đáng chú ý. Máy bay này giúp phân phối thuốc một cách hiệu quả trên toàn bộ khu vực canh tác, đảm bảo tiếp xúc đồng đều với lá, thân và hoa quả của cây ngô.
Hơn nữa, sự hỗ trợ của máy bay phun thuốc tiết kiệm thời gian và năng suất lao động, so với phương pháp phun thuốc thủ công, nhờ khả năng phun rộng và nhanh chóng hơn. Điều này không chỉ giúp nông dân tối ưu hóa quá trình canh tác và chăm sóc cây, mà còn tạo điều kiện cho họ thực hiện các công việc khác.
Thêm vào đó, việc sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. Hệ thống phun tiên tiến giúp giảm thiểu lượng thuốc hoá học thải ra môi trường, từ đó giảm nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái. Quá trình phun thuốc cơ bản cần tuân thủ lịch trình và định lượng chính xác, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên và duy trì cân bằng sinh thái trong khu vực canh tác.
Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin mà Cánh Diều Việt đã chia sẻ sẽ giúp ích cho mọi người trong việc bảo vệ cây ngô của mình. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào khác, hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline 05 6655 8899 để được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình.
Bài viết liên quan:
- Sâu Xám Hại Ngô & Biện Pháp Phòng Trừ Hiệu Quả
- Bệnh Khô Vằn Trên Cây Ngô Và Cách Phòng Trừ
- Giải Pháp Phòng Trừ Bệnh Thối Thân Cây Ngô Hiệu Quả