Thuốc trừ sâu sinh học
Hiện nay, việc lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu hóa học vào nông nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Do người sử dụng không biết kiểm soát nồng độ – liều lượng xuất hiện tình trạng tồn dư thuốc trên cây trồng và môi trường xung quanh, con người khi tiếp xúc phải tích tụ dần trong cơ thể gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, thần kinh,… Để khắc phục tình trạng đó, nhiều người hướng tới sử dụng thuốc trừ sâu sinh học – chế phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên để diệt trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Là sản phẩm thân thiện với môi trường có tác dụng tương tự như thuốc trừ sâu hóa học đó là ức chế, diệt trừ và kìm hãm sự phát triển của sâu bệnh.
Hãy cùng Cánh Diều Việt chúng tôi tìm hiểu kĩ hơn về Thuốc trừ sâu sinh học nhé!
Thuốc trừ sâu sinh học là gì?
Thuốc trừ sâu sinh học hay thuốc trừ sâu hữu cơ là loại thuốc trừ sâu được bào chế từ các chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên (từ thực vật hoặc từ vi sinh vật). Nhờ vậy, khi sử dụng không gây ảnh hưởng tới môi trường và an toàn cho người sử dụng, một sản phẩm thân thiện với môi trường. Thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng gây ức chế, diệt trừ và kìm hãm sự phát triển của sâu, bọ hoặc bệnh do nấm, vi khuẩn,… Sử dụng thuốc sâu sinh học sẽ không có tình trạng “lờn” thuốc của các loài vi sinh vật gây bệnh, và hạn chế giết nhầm các vi sinh vật có lợi cho cây trồng và đất đai.
Các loại thuốc trừ sâu sinh học
Thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thực vật
Hay còn được gọi với cái tên khác là thuốc trừ sâu hữu cơ, là sản phẩm được tách chiết từ các bộ phận của cây cỏ, cây có tinh dầu có tính độc đối với sâu bệnh. Các hoạt chất này sẽ tác động lên các hệ cơ quan của sâu bệnh hại, gây ức chế sự sinh trưởng, sinh sản hoặc gây độc và chết đi. Điều đặc biệt là không làm hại tới sức khỏe con người. Thuốc trừ sâu được chiết từ các loại dược liệu này không gây ảnh hưởng tới thiên địch, không tồn dư thuốc trên cây trồng.
Điển hình như hợp chất pyrethrum được chiết xuất từ hoa cây họ Cúc, neem từ cây cây sầu đông (xoan), matrine từ cây khổ sâm có tác dụng diệt sâu bệnh cực kì hiệu quả.
Với loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật này chúng ta có thể pha chế tại nhà (thủ công, hiệu quả sẽ kém hơn so với chế phẩm tạo ra bởi công nghệ sinh học) hoặc mua từ các công ty công nghệ sinh học. Như sản phẩm WAO NEEM TM được nhiều bà con tin dùng hiện nay, có hiệu lực trên nhiều loại sâu hại trên cây lúa, cây công nghiệp, cây cảnh,… bằng cách xua đuổi ngăn cản sự lột xác, sinh sản của sâu hại.
Thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ vi sinh vật
Thuốc này được điều chế từ các vi sinh vật hoặc chế phẩm từ vi sinh vật có thể là nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng, tảo,… Cơ chế ức chế, tiêu diệt sâu bệnh hại
- Gây độc: Các VSV bên trong chế phẩm phát triển, cạnh tranh không gian sống, thức ăn, sau đó tiết ra lượng lớn kháng sinh, độc tố đối với các loại nấm bệnh, sâu bệnh hại cây trồng làm chúng nhiễm độc và chết đi.
- Xua đuổi sâu bọ, côn trùng: Một vài chủng vi khuẩn có trong chế phẩm tiết ra dịch có vị, mùi khó chịu có tác dụng xua đuổi côn trùng, sâu bọ, ngăn ngừa cắn phá hoa màu.
- Cạnh tranh sinh tồn với sâu bệnh: các vi sinh vật có trong chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học sinh trưởng và phát triển mạnh, cạnh tranh không gian sống, thức ăn. Dần dần, các mầm bệnh mất đi không gian sống và thức ăn, khiến chúng chết dần chết mòn.
Thuốc có nguồn gốc từ vi khuẩn
Trên thị trường hiện nay, có một số thuốc bảo vệ thực vật điều chế từ vi khuẩn như Vi-BT 16000WP, 32000WP; BT Xentary 35WDG, Firibiotox P,… Trong đó, nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ vi khuẩn được nhiều bà con tin dùng nhất hiện nay đó là nhóm thuốc BT (Bacciluss Thuringiensis var.). Là thuốc có phổ diệt sâu rộng, hiệu quả đối với sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu hại bông, sâu tơ,… Chỉ tác dụng qua đường vị độc, khi xịt vào sâu ăn phải thuốc bị nhiễm độc sẽ chết sau 1-3 ngày.
Thuốc có nguồn gốc từ nấm
Chế phẩm sinh học từ nấm có hoạt chất Abamectin và Emamectin benzoate được chiết xuất trong môi trường nuôi cấy loài nấm Streptomyces avermitilis. Thuốc này diệt trừ sâu bọ với tốc độ nhanh thông qua đường tiếp xúc, gây độc và có khả năng thấm sâu. Nhóm thuốc này có phổ tác dụng rộng, phòng trừ hiệu quả đối với nhện, sâu cuốn lá, sâu vẽ bùa, sâu xanh, rầy nâu, bọ trĩ, bọ phấn trắng,… Các thuốc chứa các hoạt chất trên được có nhiều tên thương mại, được sử dụng phổ biến như thuốc Đầu Trâu Bi-sad, Đầu Trâu Merci, Proclaim,…
Ngoài ra, còn có các chế phẩm chứa các chủng nấm vi sinh đối kháng Chaetomium spp, Trichoderma spp có tác dụng đối kháng, tiêu diệt nấm bệnh gây hại trong đất trồng như Phytophthora, Fusarium. Có tác dụng diệt nhanh và an toàn đối với người sử dụng.
Thuốc có nguồn gốc từ virus
Nổi bật nhất trong nhóm thuốc này là NPV (nucleopolyhedrosis virus) – virus có tính đặc hiệu, chuyên biệt đối với sâu xanh da láng, hiệu quả trong việc phòng trừ sâu xanh da láng cho các cây trồng như rau muống, bông, các cây đậu, ngô, hành, nho,… Ngoài ra, NPV còn được sử dụng để diệt trừ sâu đo hại đay, sâu róm hại thông,… Cơ chế tác dụng qua đường vị độc tương tự chế phẩm sinh học từ vi khuẩn.
Thuốc có nguồn gốc từ tuyến trùng
Chế phẩm trừ sâu sinh học từ tuyến trùng EPN (Entomopathogenic nematodes) là loài có khả năng vừa ký sinh vừa gây bệnh cho côn trùng có phổ tác dụng rộng, diệt trừ sâu bọ nhanh, không gây kháng thuốc ở sâu, an toàn cho người sử dụng.
Cơ chế tác dụng: chúng tiết ra vi khuẩn sinh sôi, tiết protein độc, giết chết vật chủ (sâu, bọ) trong vòng 24-48 giờ.
Các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học khác
Hiện nay, thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc ngày càng phong phú và đa dạng, những chất đã đưa vào sử dụng và đang nghiên cứu phải kể đến như Chitosan từ vỏ tôm, acid humic, acid fulvic từ than bùn, acid amin được thủy phân từ protein,…
Đặc biệt, hiện nay dầu khoáng đã và đang được sử dụng rất phổ biến trong các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Dầu khoáng là sản phẩm tự nhiên, có tác dụng làm bít lỗ thở làm sâu ngạt đến chết, xua đuổi sâu trưởng thành đến đẻ trứng làm cho trứng sâu bị ung và không nở được. Chế phẩm sinh học từ dầu khoáng thường pha trộn thêm chất Abamectin làm tăng khả năng diệt sâu bọ, khả năng loang trải, bám dính tốt của dầu khoáng. Thường dùng để phòng trừ nhiều loài sâu bọ: sâu vẽ bùa, sâu tơ, sâu xanh, nhện hại cây ăn quả có múi, bọ trĩ, rầy xanh, rệp sáp, ruồi đục quả,…
Một số ưu và nhược điểm của thuốc trừ sâu sinh học
Ưu điểm của thuốc BVTV sinh học
Thuốc trừ sâu sinh học đã và đang dần chiếm vị trí của thuốc trừ sâu hóa học, bởi vì độ an toàn và hiệu quả là giải pháp nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Sau đây là một số ưu điểm của thuốc BVTV sinh học
Giải quyết được các vấn đề mà thuốc trừ sâu hóa học gặp phải đó là đảm bảo an toàn sức khỏe con người và không gây ảnh hưởng tới môi trường.
- Phù hợp và hữu hiệu với mọi loại cây trồng từ rau, hoa màu, cây cảnh, cây ăn quả,….
- Có nguồn gốc từ tự nhiên, được chiết xuất từ những chất ít gây độc hoặc không gây độc đối với cây trồng. Tăng sức đề kháng cho cây giúp cây trồng sinh trưởng tốt. Phù hợp với mọi loại cây trồng từ rau, hoa màu, cây cảnh, cây ăn quả,….
- Tác dụng phòng trừ sâu bệnh bằng cơ chế gây độc sinh học, đặc biệt là đúng đối tượng gây hại.
- Không gây hại lên hệ vi sinh vật có lợi trong đất hay trên cây trồng.
- Thời gian phân hủy ngắn, rút ngắn thời gian cách ly đối với nông sản, thực phẩm.
- Nếu có dư lượng trên nông sản cũng rất ít (hầu như không có).
- Có phổ tác dụng sinh học rộng, có hiệu lực kéo dài. Đặc biệt, các thuốc trừ sâu vi sinh có khả năng lây lan, ký sinh trên cơ thể sâu hại một thời gian dài. Làm gia tăng lượng thiên địch ký sinh của sâu bọ trên đồng ruộng.
- Có thể khống chế, diệt trừ dứt điểm nhiều loại bệnh trên một loại cây trồng.
- Thuốc trừ sâu vi sinh và thuốc trừ sâu từ thảo mộc có thể tự bào chế tại nhà với nguyên liệu dễ kiếm và chi phí thấp. Giúp bà con tiết kiệm chi phí, mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao.
Nhược điểm của thuốc BVTV sinh học
Tuy nhiên, trên thực tế thuốc trừ sâu sinh học ít được sử dụng phổ biến hơn thuốc trừ sâu hóa học bởi các nhược điểm sau
- Có tác dụng tương đối chậm: cần 3-5 ngày thuốc mới có thể có tác dụng rõ rệt, nhất là các dòng vi khuẩn BT, virus NPV và nấm ký sinh bởi vì phải cần thời gian để chúng hoạt động và gây độc cho sâu bệnh. Vì trừ sâu sinh học được khuyến nghị sử dụng với mục đích phòng trừ sâu bệnh hơn là diệt trừ sâu bệnh khi chúng bùng phát thành dịch.Do vậy, khiến bà con nông dân e ngại khi sử dụng chúng.
- Thời gian duy trì hiệu lực ngắn, dễ bị phân hủy: Nhiều thuốc bảo vệ thực vật sinh học dễ bị phân hủy vì chúng được chiết xuất hoàn toàn từ tự nhiên. Chính nhược điểm này lại là ưu điểm bởi vì nhờ đó mà thuốc ít bị tồn dư trên nông sản. Thông thường thì các chế phẩm như BT và NPV được phun vào chiều mát để ban đêm sâu bò ra sẽ bị thấm thuốc và chết dần.
- Cần phải bảo quản hợp lí: Bởi vì được chiết xuất từ các hoạt chất tự nhiên hay các vi sinh vật nên việc bảo quản thuốc BVTV sinh học sẽ nghiêm ngặt hơn so với thuốc trừ sâu hóa học. Mục đích tránh làm giảm hoạt tính của thuốc, không nên để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, nơi nóng hoặc ẩm quá.
Tóm lại, thuốc diệt sâu sinh học còn một số hạn chế nhỏ nhưng vẫn có thể khắc phục được dễ dàng. Bà con sử dụng nên tìm hiểu kỹ trước hoạt tính của từng loại thuốc phù hợp với từng loại cây trồng khác nhau.
Một số cách pha chế thuốc trừ sâu sinh học tại nhà
Hướng dẫn cách làm thuốc trừ sâu sinh học tại nhà từ thảo mộc
Công thức pha chế: 1kg tỏi + 1kg ớt + 1kg gừng + 3 lít rượu (ớt, gừng, tỏi giã dập băm nhỏ)
Tiến trình ủ:
- Cho hỗn hợp thảo mộc vào 3 lít rượu, khuấy đều rồi bịt kín miệng lại.
- Ủ hỗn hợp trong 15 ngày là có thể đem đi pha với nước rồi phun cho cây trồng
Trong các tỏi, ớt, gừng có các tinh dầu và acid có tác dụng xua đuổi, làm ảnh hưởng đến các mắt, da của sâu bọ khiến chúng sợ hãi và tránh xa cây trồng, thậm chí là cũng có thể diệt sâu bằng hỗn hợp này (nồng độ cao).
Hướng dẫn cách làm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc vi sinh vật
Với các nguyên liệu rất dễ kiếm như chế phẩm EM, dấm, rượu, các loại cây có tinh dầu mạnh như sả, tỏi, gừng, cà chua,… bà con có thể pha chế thuốc trừ sâu một cách dễ dàng mà hiệu quả đem lại rất cao.
Cách làm thuốc diệt sâu sinh học từ chế phẩm EM gốc + dấm, rượu
Chế phẩm EM (Effective Microorganisms) được biết đến là tập hợp hơn 80 loài vi sinh vật có lợi sống cộng sinh trong môi trường lên men, tạo thành một hệ sinh thái vi sinh vật có lợi sẽ lấn át các vi sinh vật có hại. Chế phẩm EM có rất nhiều tác dụng trong đó có tác dụng phòng trừ dịch bệnh, kích thích sinh trưởng cho cây trồng,… Qua đó, cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng.
Công thức pha chế: 1 lít EM1 + 1 lít mật đường + 1 lít giấm + 1 lít rượu + 6 lít nước sạch
Tiến trình ủ:
- Chuẩn bị 1 thùng tầm 15 lít, tiến hành đổ 6 lít nước vào thùng, sau đó cho 1 lít mật đường và 1 lít EM1 vào khuấy đều hòa tan.
- Cho dấm, rượu vào hỗn hợp ở trên rồi tiếp tục khuấy đều.
- Bọc kín miệng thùng bằng 1 lớp nilon sau đó đậy kĩ nắp lại.
- Ủ trong 3 tháng cho ra thành phẩm
Lưu ý: Trong quá trình ủ, hỗn hợp trong thùng sẽ sinh ra khí gas, do đó bà con nên mở nắp thường xuyên mở nắp thùng ra để xả khí gas, sau đó bọc và đậy lại như cũ. Mục đích của việc này để tránh làm nổ thùng.
Để thùng ủ ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, nơi quá nóng hay quá lạnh.
Cách làm thuốc trừ sâu sinh học từ EM gốc + Thảo mộc
Công thức pha chế: 1 lít EM1 + 6kg thảo mộc có mùi hương, tinh dầu mạnh (sả, cà chua, bạc hà, húng quế, gừng,…) + 1 lít mật đường + 28 lít nước
Tiến trình ủ:
- Chuẩn bị 1 thùng dung tích lớn, tiến hành cho 28 lít nước vào thùng, sau đó cho 1 lít mật đường và 1 lít EM1 vào khuấy tan đều.
- Sau đó cho thảo mộc đã băm, đập dập vào hỗn hợp trên. Tiến hành khuấy trộn đều.
- Bọc kín miệng thùng bằng nilon, sau đó đậy kĩ bằng nắp thùng.
- Ủ từ 10-15 ngày cho ra thành phẩm.
Lưu ý: Tương tự như ở trên, trong quá trình ủ, bà con nên mở nắp để xả khí gas và đảo đều thảo mộc trong thùng.
Để thùng ủ ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
Cách sử dụng: Trước khi sử dụng, bà con nên lọc lại bằng rây hay bằng vải để loại bỏ cặn. Sau đó, cho hỗn hợp đã lọc vào thùng mới. Khi cần phun, thì pha loãng dung dịch lại với nước rồi tiến hành phun.
Cách nhận biết các loại cây có khả năng diệt côn trùng
Một vài đặc điểm để bà con có thể nhận dạng các loại cây trồng có khả năng làm thuốc trừ sâu sinh học:
Căn cứ vào mùi: các cây có độc tố với sâu hại thường có mùi cay, nồng, hắc,…
Căn cứ vào nhựa, dịch của cây: nếu nhựa hay dịch cây vô tình tiếp xúc với da chúng ta làm mẩn, đỏ, rát, ngứa hoặc nóng thì chúng có thể có độc tố để diệt sâu bọ.
Căn cứ vào các loài động vật xung quanh cây: nhưng cây có độc tố đối với sâu bọ thường phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh và côn trùng xung quanh.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học
- Đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng, pha chế đúng liều lượng nồng độ khuyến cáo, dùng đúng sản phẩm cho sâu bệnh, phun đúng thời điểm.
- – Thuốc trừ sâu sinh học chỉ đem lại hiệu quả tốt nhất trong việc phòng bệnh hoặc bệnh nhẹ. Trong trường hợp sâu bệnh nặng thì nên kết hợp với thuốc trừ sâu hóa học để đem lại hiệu quả tốt hơn.
- Cũng giống như thuốc trừ sâu hóa học và phân bón, thuốc diệt sâu sinh học trừ sâu không nên sử dụng quá liều tránh làm xót cây, cháy lá, đọt cây.
- Phun thuốc diệt sâu sinh học nên phun vào lúc trời mát chiều tối hoặc sáng sớm, phun đều cả 2 mặt lá.
- Để cây trồng phát triển theo quy luật sinh học tự nhiên bền vững ngoài sử dụng thuốc trừ sâu sinh học nên thay phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ như phân chuồng, phân đạm cá, phân đậu nành, tro trấu, phân rác nhà bếp,… Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng mà không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng phân hữu cơ chỉ thường được dùng ở các khu vườn, vườn cây, vườn rau, như đồng ruộng lúa thì khó để đủ lượng phân hữu cơ để đáp ứng đủ.
Kết luận
Thuốc trừ sâu sinh học diệt trừ sâu, bọ hại một cách hiệu quả giúp cây sinh trưởng tốt mà không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và môi trường. Tuy còn một vài hạn chế nhỏ nhưng vẫn có thể khắc phục được. Chính vì vậy mà thuốc trừ sâu sinh học đang dần thay thế thuốc trừ sâu hoá học đảm bảo an toàn cho người sử dụng.